Thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn năm 2024, sáng ngày 27/9 Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học sinh viên cấp khoa với chủ đề “Quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân – những vấn đề pháp lý đặt ra”. Đây là hoạt động nghiên cứu khoa học thường niên, nhằm tạo ra cơ hội để sinh viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề pháp lý liên quan đến tài sản trong hôn nhân, đồng thời đây cũng là hoạt động để sinh viên làm quen với việc nghiên cứu khoa học, từ đó nâng cao năng lực học thuật và chuyên môn trong lĩnh vực luật.

Hội thảo khoa học sinh viên năm 2024 được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để sinh viên của Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam và sinh viên Luật tại các cơ sở đào tạo ngành Luật khác trao đổi, thảo luận về những vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia, cựu sinh viên về việc quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân; đồng thời đánh giá thực tiễn thực hiện và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật trong việc quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 100 sinh viên đến từ tất cả các khóa ngành Luật và ngành Luật Kinh tế với hơn 20 bài tham luận đăng ký trình bày tại hội thảo. Hội thảo được chủ trì bởi các chuyên gia:

– TS. Kiều Thị Thuỳ Linh – Phó trưởng khoa, Phụ trách Khoa Luật, Trưởng Bộ môn Pháp luật Dân sự

– TS. Trần Nguyên Cường – Trưởng bộ môn Pháp luật Kinh tế

– TS. Trịnh Thị Yến – Trưởng bộ môn Pháp luật Hành chính – Hình sự

Ban chủ trì hội thảo nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2024

Với chủ đề “Quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân – Những vấn đề pháp lý đặt ra”, hội thảo tập trung vào 3 nhóm nội dung:

– Nội dung 1: Quản lý tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân

– Nội dung 2: Sử dụng tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

– Nội dung 3: Định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi với các nội dung đa dạng xoay quanh chủ đề chính về vấn đề quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, trong đó, với cách tiếp cận khía cạnh mới như vấn đề quản lý tài sản của vợ chồng là cổ phiếu, tiền mã hoá, tiền kỹ thuật số,… các bạn sinh viên đã đưa ra những quan điểm cá nhân về vấn đề này. 4 bài tham luận được lựa chọn để trình bày tại hội thảo đã góp phần gợi mở những nội dung đặc sắc, giúp cho các bạn sinh viên có những góc nhìn mới mẻ hơn đối với chủ đề “Quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân – Những vấn đề pháp lý đặt ra”.

  • Góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản chung của vợ chồng – Một số vướng mắc và kiến nghị của tác giả Vũ Hoàng Hà Chi (lớp K11 LKTA)

Luật hôn nhân và gia đình và Luật doanh nghiệp hiện hành chưa có sự tương thích với nhau về việc góp vốn vào các doanh nghiệp bằng tài sản chung của vợ chồng, điều này gây khó khăn cho Tòa án các cấp trong việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Trong bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề góp vốn bằng tài sản chung của vợ chồng vào doanh nghiệp, chỉ ra các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành để từ đó đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.

Tác giả Vũ Hoàng Hà Chi (lớp K11 LKTA) trình bày tham luận

  • Chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn – Một số vấn đề bất cập và kiến nghị hoàn thiện của nhóm tác giả Trần Thị Thanh Huyền và Trần Hà Vy (K11 LKTB)

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cổ phiếu trở thành một loại tài sản trong kinh doanh phổ biến của các cặp vợ chồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 chưa có quy định rõ ràng khi vợ chồng chia tài sản chung là cổ phiếu khi ly hôn, dẫn đến trong thực tiễn các cơ quan Tòa án gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình giải quyết. Do vậy, thông qua bài viết này, nhóm tác giả nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành về giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phiếu khi ly hôn, chỉ ra các bất cập trong quá trình giải quyết vấn đề thực tiễn, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này trong thời gian tới.

Đại diện nhóm tác giả Trần Thị Thanh Huyền và Trần Hà Vy (K11 LKTB) trình bày tham luận

  • Một số vấn đề pháp lý về sử dụng tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân của tác giả Hoàng Ngô Uyển Nhi (K10 LUAT A)

Nếu trước đây, tiền tệ thường được hiểu là các đồng tiền do cơ quan có thẩm quyền ban hành dưới hình thức tiền giấy hoặc tiền xu, có mệnh giá, là đơn vị trung gian thanh toán thì hiện nay, nhiều loại hình tiền tệ mới đang xuất hiện và được số đông ủng hộ như tiền kỹ thuật số, tiền ảo… Tất cả là hệ quả tất yếu của sự phát triển khoa học kỹ thuật, sự ra đời công nghệ blockchain cũng như nhiều công nghệ mới. Việc sử dụng tiền mã hoá, tiền kỹ thuật số có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm với những rủi ro nhất định. Ở góc độ quản lý tài sản của vợ chồng, quản lý, sử dụng tiền mã hoá, tiền kỹ thuật số cũng có những tác động nhất định, bao gồm cả tác động tích cực cũng như hạn chế. Bài viết tập trung lý giải nội hàm tiền mã hoá, tiền kỹ thuật số; phân tích và luận giải các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng tiền mã hoá, tiền kỹ thuật số trong quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản chung của vợ chồng; và từ đây đưa ra các kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật trong việc quản lý, sử dụng các loại tiền này.

Tác giả Hoàng Ngô Uyển Nhi (K10 LUAT A) trình bày tại hội thảo

  • Pháp luật Việt Nam về định đoạt tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân – Lý luận và một số vướng mắc, bất cập của nhóm tác giả Phạm Bùi Như Quỳnh và Nguyễn Thị Phương (K10 LUAT)

Hôn nhân và gia đình luôn là một vấn đề quan trọng đối với mỗi con người. Sự phát triển và ổn định lâu dài của gia đình góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, nhận thức được điều đó Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình góp phần tạo ra sự bền vững trong quan hệ gia đình. Hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế, sự du nhập của những giá trị văn hóa mang tính quốc tế làm cho mối quan hệ trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình ở Việt Nam có những biến đổi sâu sắc. Đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên kèm theo đó là những vụ tranh chấp về tài sản giữa vợ chồng diễn ra ngày càng phức tạp và gay gắt hơn. Cuộc sống chung của vợ chồng được xác lập luôn đòi hỏi quyền và nghĩa vụ về tài sản nhằm đảm bảo nhu cầu của đời sống gia đình. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng là quan hệ tài sản gắn liền với nhân thân, tồn tại trong thời kỳ hôn nhân, không có tính đền bù ngang giá và không xác định được công sức đóng góp cụ thể của các bên. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện khung pháp lý về định đoạt tài sản trong hôn nhân. Tham luận này sẽ đi sâu phân tích các vấn đề lý luận cơ bản về định đoạt tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm làm rõ hơn các quy định pháp luật hiện hành và một số những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật. Từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện cho việc xây dựng một chế độ tài sản công bằng, hợp lý và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Đại diện nhóm tác giả Phạm Bùi Như Quỳnh và Nguyễn Thị Phương (K10 LUAT) trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo khoa học sinh viên cấp khoa với chủ đề “Quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân – những vấn đề pháp lý đặt ra” đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia nhiệt tình của các thầy, cô giảng viên và các bạn sinh viên đến từ các ngành đào tạo của Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Hội thảo không chỉ mang lại kiến thức pháp lý chuyên sâu mà còn giúp các sinh viên rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu khoa học. Đây là những hành trang quý báu để các bạn sinh viên tự tin bước vào năm học mới với nhiều cơ hội học tập và nghiên cứu mới mẻ. Qua đó, các bạn sẽ có nền tảng vững chắc để đạt được những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học cũng như trong sự nghiệp tương lai.

Mai Linh