Chương trình đào tạo (CTĐT) thạc sĩ ngành Luật được thiết kế theo định hướng ứng dụng phù hợp với đúng định hướng của Học viện. CTĐT với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, có kiến thức toàn diện, hiện đại, chuyên sâu về pháp luật; có kỹ năng chuyên sâu, năng lực thực hành nghề luật; có năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng KHCN trong nghiên cứu và thực hành nghề luật; có năng lực phát hiện và giải quyết những vấn đề pháp lý và đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường lao động, góp phần thiết thực vào thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Học viện.
Người học sau khi tốt nghiệp CTĐT có đủ năng lực, kỹ năng và phẩm chất đạo đức để đảm nhiệm vị trí công tác sau:
Thứ nhất, chuyên gia, chuyên viên làm công tác tham mưu, tư vấn, xây dựng và thực hiện pháp luật tại các cơ quan nhà nước, xã hội, đơn vị.
Thứ hai, chuyên gia thực hành pháp luật tại các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và tổ chức hành nghề luật như: Thẩm phán, thẩm tra viên, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên, trọng tài viên, đấu giá viên, chấp hành viên, thừa phát lại…
Thứ ba, chuyên gia thực hành pháp luật làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ tư, người tốt nghiệp CTĐT có khả năng tiếp tục theo học CTĐT tiến sĩ.
CTĐT được xây dựng với tổng số tín chỉ (TC) là 60 (trong đó 46 TC học tập trên lớp, 6 TC thực tập và 8 TC đề án tốt nghiệp). Phân bổ theo các khối kiến thức:
Khối thứ nhất là khối kiến thức chung với 14 TC, trong đó 10 TC các học phần bắt buộc và 4 TC các học phần tự chọn.
Khối thứ hai là kiến thức cơ sở ngành với 8 TC, trong đó 4 TC các học phần bắt buộc và 4 TC các học phần tự chọn.
Khối thứ ba là khối kiến chuyên ngành với 24 TC, bao gồm 14 TC các học phần bắt buộc và 10 TC các học phần tự chọn.
Khối thứ tư dành cho Thực tập chuyên môn với 06 TC. Thực tập chuyên môn cho phép học viên thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế khác và được đánh giá bằng hình thức viết bài thu hoạch và chấm điểm hoặc thuyết trình theo kế hoạch của Khoa Luật. Kết quả thực tập chuyên môn được thể hiện trong bảng điểm các học phần của khóa học.
Cuối cùng là Đề án tốt nghiệp với 08 TC. Đề án tốt nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về nội dung và hình thức theo quy định của Học viện. Đề án tốt nghiệp được đánh giá theo phương thức và yêu cầu được quy định trong Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ do Học viện ban hành trên cơ sở quy định Luật Giáo dục đại học và các văn bản hướng dẫn.
CTĐT ngành Luật trình độ thạc sĩ sử dụng phương pháp tác động đa chiều, lấy người học làm trung tâm, tạo lập môi trường học tập cởi mở, thân thiện, giúp học viên thu nhận kiến thức đa chiều nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập của học viên. Đồng thời sử dụng những phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại, có tính thực hành cao, phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ nhằm giúp học viên đạt được chuẩn đầu ra của học phần và chuẩn đầu ra của CTĐT như thảo luận bài tập tình huống, case study, sơ đồ tư duy, học tập dựa trên dự án, thực tập, thực hiện đề án tốt nghiệp, trao đổi với các doanh nhân thành đạt và các chuyên gia…