Mục tiêu chung của Chương trình là tăng cường kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Điều chỉnh đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục
Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, toàn bộ các chương trình đào tạo cử nhân luật đều được rà soát, điều chỉnh đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành pháp luật. Đến năm 2030, 100% chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; tối thiểu 10% chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trong đó, mỗi nhóm kiến thức chuyên môn ngành luật phải có riêng tối thiểu một giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ có chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy. Năm 2025 Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam lên kế hoạch thực hiện chỉnh sửa lớn chương trình đào tạo đối với 02 chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật và ngành Luật Kinh tế để đáp ứng chuẩn Chương trình đào tạo khối ngành pháp luật, phục vụ người học và đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hiện nay.
Thành lập Bộ môn Thực hành Pháp luật, trực thuộc Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam
Nâng cao tỉ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ
Theo Quyết định 1056/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023 – 2030”, tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ giảng dạy các học phần bắt buộc, cốt lõi thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành, chuyên ngành của chương trình đào tạo cử nhân luật đạt tối thiểu 40%. Trong đó, mục tiêu năm 2025 tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ giảng dạy các học phần thuộc khối kiến thức chuyên môn của ngành luật đạt tối thiểu 35% và năm 2030 đạt tối thiếu 40%.
Đáp ứng nhu cầu chất lượng giáo dục, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam không ngừng phấn đấu, học tập và rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng các yêu cầu về giảng dạy theo quy định. Đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ được tạo điều kiện và hỗ trợ đăng ký học tiến sĩ.
Giảng viên Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam bảo vệ thành công nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2024
Tăng cường tính thực tiễn trong đào tạo cử nhân luật
Một trong những nhiệm vụ cần được đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật đó là tăng cường tính thực tiễn, ứng dụng. Với việc đào tạo hệ đại học và hệ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn tăng cường tính thực tiễn trong hoạt động giảng dạy thông qua các hoạt động thực tế như: mời các chuyên gia đang làm trong lĩnh vực pháp luật ở các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp thực hiện các báo cáo chuyên đề thực tiễn cho các giảng viên, học viên, sinh viên; tổ chức các kỳ thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp; tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các đơn vị; tham gia các phiên tòa giả định, cuộc thi hùng biện và các buổi seminar hay tập huấn kỹ năng mềm… nhằm tạo môi trường và cơ hội để người học thực hành các kiến thức trên lớp vào thực tiễn, qua đó đúc kết thêm kinh nghiệm làm hành trang cho việc hành nghề sau khi tốt nghiệp.
Các hoạt động gắn với thực tiễn được lồng ghép trong chương trình đào tạo ngành Luật
Để đạt được những mục tiêu của “Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023 – 2030”, mỗi cơ sở đào tạo cử nhân luật cần: đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo theo chuẩn chương trình đào tạo, hướng tới hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao; đồng thời, tăng cường sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo cử nhân luật với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên thực tập nghề nghiệp, nâng cao năng lực làm việc cho sinh viên…