Tiếp nối thành công của Hội thảo khoa học sinh viên với chủ đề “Quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân – những vấn đề pháp lý đặt ra” tổ chức vào buổi sáng ngày 27/9, chiều cùng ngày, Khoa Luật tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa với chủ đề: “Chức năng xã hội của nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập”. Hội thảo được chủ trì bởi PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ – Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính Phủ, giảng viên Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam, cùng sự tham gia của các giảng viên đang công tác tại khoa và thành viên của 2 CLB sinh viên Khoa Luật: CLB Nghề Luật và CLB Hùng biện.
Hội thảo khoa học cấp khoa năm 2024 là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên phân tích, đánh giá chức năng xã hội của nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập; từ đó trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia về các vấn đề liên quan chủ đề hội thảo và đề ra các giải pháp và khuyến nghị chính sách hoàn thiện pháp luật.
Hội thảo diễn ra với 4 tham luận chính mang lại những cách tiếp cận mới về vai trò xã hội của nhà nước trong các lĩnh vực:
✓ Chức năng xã hội của nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế
✓ Sự tham gia của công dân trong xây dựng chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chức năng xã hội của nhà nước
✓ Chức năng xã hội của nhà nước trong nền kinh tế thị trường
✓ Chức năng xã hội của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
Hội thảo đã lắng nghe và trao đổi chuyên sâu đối với 2 tham luận:
- Tham luận “Tham gia công dân trong xây dựng chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước” do TS. Cao Tiến Sỹ trình bày
TS. Cao Tiến Sỹ trình bày tham luận tại hội thảo
Theo tác giả, theo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin, chức năng xã hội của nhà nước là những mặt hoạt động chủ yếu của nhà nước nhằm đảm bảo cho xã hội ổn định và phát triển, qua đó củng cố và khẳng định địa vị của giai cấp, lực lượng cầm quyền. Chức năng xã hội của nhà nước hướng đến 02 nhiệm vụ cơ bản: Một là, chăm lo những công việc chung của toàn xã hội, đảm bảo tất cả các giai tầng trong xã hội đều được hưởng lợi ích khi nhà nước thực hiện những công việc đó. Hai là, thỏa mãn ở mức độ hợp lý nhu cầu của các giai tầng khác trong xã hội, tức là phải thực hiện những chính sách đem lại lợi ích cho các giai tầng bị trị ở mức độ nhất định, dù cho những chính sách đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích trước mắt của giai cấp cầm quyền. Nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của tất cả các thành phần trong xã hội ở một mức độ nhất định nào đó.
Trong tổng thể nền quản trị nhà nước, chính sách, pháp luật là bộ phận nền tảng của thể chế quản lý, có vai trò chi phối các yếu tố khác của quản trị quốc gia như bộ máy nhà nước (cơ cấu tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công…); tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược phát triển; cung cấp dịch vụ công và định hướng phát triển xã hội… Sự tham gia của nhiều chủ thể xã hội vào các khâu trong chu trình chính sách, pháp luật có vai trò hết sức quan trọng. Một mặt, nó thể hiện nhu cầu biểu đạt quyền tham gia và trách nhiệm công dân trong hoạt động quản lý nhà nước, mặt khác hỗ trợ quá trình ra quyết định của chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, pháp luật, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội trong từng thời kỳ phát triển.
Trong thực hiện chức năng xã hội của nhà nước hiện nay, dưới tác động của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa kinh tế và xã hội hóa hiện đại, sự tham gia của công dân vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước, quản trị xã hội ngày càng trực tiếp và mạnh mẽ hơn.
- Tham luận “Chức năng xã hội của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường” của TS. Lê Văn Bính
Việc thực hiện các chức năng khác nhau của nhà nước (chính trị, kinh tế, tư tưởng, xã hội, v.v) được quyết định bởi những lý do khách quan. Bản thân thị trường và xã hội, nếu không có sự can thiệp của nhà nước hay chính phủ, sẽ không thể đảm bảo thực hiện nhiều chức năng có ý nghĩa xã hội. Trong bổi cảnh nền kinh tế thị trường, chức năng xã hội của nhà nước cần đặc biệt được quan tâm hơn, vì về mặt này của đời sống xã hội trên thực tế còn nhiều việc cần đàm luận. Từ lâu, dưới khẩu hiệu cải cách, chức năng xã hội của nhà nước thường bị đánh giá là yếu tố thụ động làm hạn chế tốc độ và phạm vi chuyển đổi. Hiện nay, nhu cầu cấp thiết là phải có những điều chỉnh đáng kể về bản chất và phương pháp thực hiện chức năng xã hội của nhà nước nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả của chính sách xã hội, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất, xây dựng cơ chế mới bảo đảm sử dụng hợp lý các nguồn lực tài chính, vật chất được phân bổ trong nhà nước pháp quyền. Bài viết sẽ tập trung làm sáng tỏ nội dung chức năng xã hội của nhà nước trong nền kinh tế thị trường; phân tích các yếu tố quan trọng tác động đến việc thực hiện chức năng xã hội của nhà nước, như toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, sự chuyển đổi mô hình nhà nước và vấn đề khủng hoảng kinh tế; phân tích mối quan hệ giữa chức năng xã hội của nhà nước và khái niệm “nhà nước phúc lợi” (welfare state) hay “nhà nước xã hội”; xác định các nhiệm vụ cơ bản của chức năng xã hội của nhà nước, cũng như tính quốc tế của chức năng xã hội của nhà nước trong xã hội đương đại (hay trong nền kinh tế thị trường).
TS. Lê Văn Bính trình bày tham luận trong hội thảo
Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cùng các giảng viên và các bạn sinh viên đã trao đổi những nội dung xung quanh nội dung quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả. Đây là phương thức quản trị quốc gia mới, đa chủ thể, trong đó Nhà nước đóng vai trò là trung tâm điều phối, cùng với sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước, sử dụng các phương pháp, công cụ, phương tiện phù hợp để huy động các nguồn lực quốc gia nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả có các đặc trưng chủ yếu: (1) Hiệu lực, hiệu quả; (2) Pháp quyền. (3) Huy động sự tham gia rộng rãi của người dân và các chủ thể kinh tế, xã hội. (4) Đồng thuận xã hội khi ban hành và thực hiện các quyết sách liên quan tới người dân, xã hội và vận mệnh của quốc gia. (5) Công khai, minh bạch trong hoạt động của khu vực công. (6) Trách nhiệm giải trình của các chủ thể trong và ngoài nhà nước. (7) Hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. (8) Năng lực của nhà nước trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. (9) Tầm nhìn và sự thích ứng với sự biến đổi của môi trường. (10) Bảo đảm quyền con người và quyền công dân.
Buổi hội thảo không chỉ mang lại cho giảng viên, sinh viên những góc nhìn mới về từng khía cạnh pháp lý theo từng chủ đề mà còn mang lại cho giảng viên, sinh viên những định hướng, gợi mở mới về vấn đề quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân và chức năng xã hội của nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập.
Các giảng viên Khoa Luật tham dự hội thảo tại hội trường 203
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia nhiệt tình, trao đổi sôi nổi của các thầy, cô và các bạn sinh viên đến từ các ngành đào tạo của Khoa Luật, chúc thầy, cô và các bạn sinh viên gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc nghiên cứu khoa học./.
Mai Linh