Về công tác đảm bảo chất lượng – kiểm định chất lượng giáo dục: trong năm học 2022-2023, Ngành Luật là một trong ba ngành của Học viện thực hiện đánh giá CTĐT. Học viện cũng như Khoa Luật đã nghiêm túc triển khai các hoạt động phục vụ cho công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học. Sau quá trình chuẩn bị nghiêm túc, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đón Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài khảo sát sơ bộ, khảo sát chính thức nhằm thực hiện đánh giá 03 CTĐT trình độ đại học của các ngành: Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Luật. Đoàn đã tập trung nghiên cứu các hồ sơ minh chứng; tổ chức phỏng vấn lãnh đạo Học viện, đại diện các đơn vị trong trường, các nhà tuyển dụng, cựu người học, người học; thu thập thông tin phản hồi của các bên liên quan; thẩm định tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp… của 03 CTĐT để xác thực các thông tin trong báo cáo tự đánh giá của Học viện.

Kết quả là Ngành Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam được nhận Quyết định về việc đạt tiêu chuẩn chất lượng chương trình đào tạo và Giấy kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học. Sáng ngày 20/11/2023, Học viện Phụ nữ Việt Nam và đại diện Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long và đại diện Đoàn đánh giá ngoài đã thống nhất ký Biên bản hoàn thành chương trình khảo sát. Ngày 20/11/2023, Trung tâm Kiểm định chất lượng chất lượng giáo dục Thăng Long đã trao Giấy chứng nhiện kiểm định cho 3 ngành Luật, Công tác xã hội và Quản trị kinh doanh.

 

Về công tác tuyển sinh, cùng với các khoa, viện, phòng của Học viện Phụ nữ đã cùng nhau chung tay thực hiện các hoạt động hỗ trợ tuyển sinh. Với đặc thù của Khoa Luật, Khoa đã tiến hành hoạt động tuyển sinh tại địa phương thông qua nhiều hình thức đa dạng và phong phú như tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, phục vụ cộng đồng, nói chuyện chuyên đề, tư vấn pháp luật tại cộng đồng… Hằng năm, bên cạnh hoạt động tuyên truyền và quảng bá hình ảnh của Học viện Phụ nữ Việt Nam, của Khoa Luật thông qua tờ rơi, tờ gấp, website, fanpage hay nhóm zalo…, Khoa Luật còn tiến hành tư vấn tuyển sinh tại các địa phương như Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Ninh Bình, Thường Tín… và đã thu hút được sự quan tâm của các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Tính đến năm 2023, Khoa Luật đã đào tạo 9 khóa sinh viên ngành Luật (trong đó 5 khóa sinh viên đã tốt nghiệp) và 4 khóa sinh viên ngành Luật Kinh tế. Trải qua từng năm học, chất lượng đào tạo và quy mô tuyển sinh càng được gia tăng và khẳng định uy tín. Chỉ tuyên tuyển sinh của 2 ngành học luôn nằm trong nhóm các ngành học có điểm xét tuyển cao, chỉ tiêu tuyển sinh lớn và đạt đủ chỉ tiêu tuyển sinh ngay trong những đợt xét tuyển đợt đầu. Sinh viên ngành Luật đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao với tỷ lệ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Sinh viên ngành Luật tốt nghiệp nằm trong nhóm sinh viên có điểm GPA cao của Học viện, trong đó có 03 sinh viên khóa 3, 4 và 7 là Thủ khoa tốt nghiệp đầu ra toàn Học viện.

Trong thời gian qua, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tích cực chuẩn bị đội ngũ và các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo tiêu chí để mở mới thành công chuyên ngành đào tạo sau đại học. Sau một thời gian chuẩn bị cả về nhân lực và cơ sở vật chất hạ tầng, năm 2023, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã thành công mở mã ngành đào tạo thạc sĩ ngành Luật.

Học viện Phụ nữ Việt Nam mở ngành đào tạo Luật trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng phù hợp về nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia cũng như thủ đô Hà Nội. Việc mở chuyên ngành đào tạo thạc sĩ ngành luật theo định hướng ứng dụng là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, nguồn nhân lực của Hà Nội cũng như của cả nước trong giai đoạn hiện nay. 

Học viện Phụ nữ Việt Nam mở ngành đào tạo Luật trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực ngành luật của thị trường nhân lực hiện nay. Trong bối cảnh nền kinh tế xã hội phát triển với tốc độ nhanh, khoa học công nghệ phát triển, loài người chính thức bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu nguồn nhân lực ngành luật cũng ngày càng được nâng cao và đòi hỏi nguồn nhân lực lớn.

Học viện Phụ nữ Việt Nam mở ngành đào tạo Luật trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng phù hợp với chiến lược phát triển của Học viện. Trên chặng đường phát triển của mình, Học viện luôn mong muốn không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy đào tạo mà còn ngày càng đa dạng các lĩnh vực đào tạo cũng như các hệ đào tạo. Trong 8 năm đào tạo hệ cử nhân chuyên ngành Luật, 5 năm đào tạo hệ cử nhân chuyên ngành Luật kinh tế vừa qua cho thấy, sự nỗ lực không ngừng của Học viện trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực có trình độ pháp lý cho đất nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với Kế hoạch chiến lược Phát triển Học viện giai đoạn 2021 – 2025 được Hội đồng Học viện ban hành theo Nghị Quyết số 02/NQ-HĐHV-HVPNVN ngày 20/3/2021.

Mục tiêu phát triển ngành đào tạo thạc sĩ ngành luật định hướng ứng dụng là phấn đấu đưa ngành đào tạo thạc sĩ luật trở thành ngành đào tạo mũi nhọn của Học viện. Theo đó, đào tạo thạc sĩ Luật của Học viện hướng đến tiếp tục cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao hơn trong lĩnh vực pháp lý, tạo tiền đề để các học viên có thể nâng cao trình độ chuyên môn khi nghiên cứu ở bậc tiến sĩ luật học. Nhằm mang đến điều kiện tốt nhất cho người học, Học viện nỗ lực không ngừng trong việc huy động các nguồn lực cần thiết và phát huy các tiềm năng, thế mạnh về con người, cơ sở vật chất của mình.