Sau 4 năm dùi mài kinh sử trên giảng đường đại học, được trang bị những kiến thức về nghề luật, được rèn luyện các kỹ năng cần thiết để khi ra trường có thể hành nghề một cách độc lập. Và dần thì tôi đã hiểu, học luật để biết luật, hiểu luật, vận dụng luật và để hoàn thiện luật.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng, học luật ra trường là làm ở Tòa án, Viện Kiểm sát hay trở thành Luật sư. Thực tế, những người có bằng Cử nhân Luật có cơ hội việc làm rất lớn, họ có thể làm việc tại hầu hết các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, hay trong các doanh nghiệp. Ở một xã hội dân chủ, văn minh thì pháp luật luôn luôn phải được tôn trọng và đề cao, và những người học luật sẽ có vô vàn cơ hội để phát triển.
Trước khi đến với Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam, tôi đã làm việc tại một Viện nghiên cứu. Tại đây, công việc chính của tôi là nghiên cứu và giảng dạy pháp luật cho đối tượng là những người yếu thế trong xã hội, nghiên cứu, tìm hiểu về quyền của nhóm yếu thế này. Để từ đó có thể sẻ chia, tuyên truyền, phổ biến những kiến thức pháp luật, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước cho nhóm người yếu thế trong xã hội để họ biết những quyền, lợi ích mà mình đáng được hưởng. Để cộng đồng, xã hội thấy phải có trách nhiệm chung tay bảo vệ quyền lợi cho nhóm đối tượng này, để mọi người trong xã hội được sống theo đúng tinh thần: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
Hạnh phúc thật đơn giản, hạnh phúc đôi khi chỉ là một nụ cười, một lời cảm ơn chân thành, một cái bắt tay thật chặt hay một sự cho đi vô tư trong sáng. Hạnh phúc biết mấy khi chúng ta trao cái chúng ta có, trao điều chúng ta biết cho những người thiếu nó.Thật may mắn khi trong suốt quãng thời gian làm việc ở đây, tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nhóm xã hội và phần nào đã giúp đỡ họ tìm đến với công bằng, công lý, chung tay cùng với cộng đồng tạo dựng một xã hội công bằng, văn minh. Nghề luật đã cho tôi nhiều kiến thức, rèn luyện cho tôi các kỹ năng, mang đến cho tôi những trải nghiệm đẹp. “Hãy cho đi khi còn có thể”…
Và rồi, một mối duyên lớn đến với tôi, chắc chắn rằng đó sẽ là một mốc son quan trọng trong sự nghiệp và cuộc đời tôi. Tôi trở thành giảng viên của Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Những ngày đầu đi làm, đồng nghiệp và mọi thứ xung quanh đều thật mới mẻ, tưởng chừng là sự bỡ ngỡ với những lo lắng của một con người mới trong một tập thể hoàn toàn xa lạ. Nhưng không, những ngày đầu của tôi tại Khoa là sự đón chào nồng nhiệt, sự hỗ trợ, chia sẻ của các anh, chị, em đồng nghiệp, sự giúp đỡ của cả tập thể, khiến tôi không còn cảm giác mình là một người mới, thay vào đó là cảm giác của người vừa đi xa trở về với gia đình. Thật ngỡ ngàng khi thấy sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ giữa các đồng nghiệp, sự thân thiện, gắn kết giữa các giảng viên với các em bạn sinh viên nơi đây.
Sinh viên ngành Luật tham gia Phiên tòa giả định
Khoa Luật tuy mới được thành lập, nhưng có đội ngũ các cán bộ, giảng viên đạt chuẩn tiến sĩ, thạc sĩ giàu kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy, thân thiện, năng động tận tình, tâm huyết, thường xuyên tiếp cận những tri thức hiện đại và đổi mới phương pháp giảng dạy. Sinh viên đang học tập tại Khoa được trang bị kiến thức pháp lý cơ bản cần thiết; được trao đổi, chia sẻ và thực hành những kiến thức đã học trong các buổi thảo luận, hội thảo, sinh hoạt ngoại khóa để giải quyết những vấn đề, tình huống thực tế dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia pháp luật, các thầy cô giáo.
Một điểm khác biệt trong chương trình đào tạo của Khoa Luật so với các cơ sở đào tạo Luật khác trong nước là sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu theo hướng lựa chọn một trong ba chuyên ngành: Pháp luật về Phụ nữ và bình đẳng giới; Pháp luật hành chính; Pháp luật kinh tế. Đây là những lĩnh vực đang khát nhân lực trình độ cao, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… Quyền con người và sự bình đẳng trong xã hội được đề cao và là cái đích hướng tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, thịnh vượng.
Đến với Khoa Luật, sinh viên không chỉ được trang bị những kiến thức pháp lý mà còn được rèn luyện kỹ năng, đào tạo ngoại ngữ chuyên sâu, được tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục, thể thao, được sống trong một tập thể hùng mạnh, đoàn kết, nhiệt tình, được phát triển con người, khơi dậy những đam mê.
Sau khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng cử nhân Luật của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong tay, tôi chắc chắn rằng các bạn sẽ trở thành những người cán bộ, công chức, viên chức…có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và nhiệt huyết để làm việc, để cống hiến phục vụ lợi ích chung của đất nước và xã hội. Và một điều chắc chắn rằng, khi xin việc vào bất cứ nơi đâu, các bạn cũng sẽ tự tin khi nói về Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Giảng viên và sinh viên khoa Luật tham gia hội thảo
Khoa Luật Học viện Phụ nữ Việt Nam. Một môi trường cởi mở, đoàn kết, tận tâm chắc chắn sẽ là nơi chắp cánh những ước mơ bay cao bay xa cho các em sinh viên sau khi rời mái trường trung học phổ thông.