Nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên trao đổi, phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị tại Việt Nam. Ngày 16 tháng 7 năm 2019, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện Friedrich Ebert Stiftung – Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức hội thảo “Phụ nữ và quyền lực: Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị” với mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và Đức, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam về những vấn đề liên quan, đồng thời đề ra các giải pháp và khuyến nghị chính sách hoàn thiện pháp luật, các biện pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Tham dự hội thảo có TS. Trần Quang Tiến – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu đến từ Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Thanh thiếu niên, Viện Nhà nước và pháp luật, Hội Người khuyết tật Hà Nội, đông đảo giảng viên và sinh viên Khoa Luật, Khoa Giới và phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam và các cán bộ, điều phối viên Viện FES – Đức.
Hội thảo dưới sự chủ trì của GS.TS. Randzio Plath, Chủ tịch Hiệp hội Marie-Schlei (CHLB Đức), nguyên Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu (EP); TS. Lương Văn Tuấn – Phó trưởng Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam và bà Đỗ Thị Huyền – Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội. Hội thảo đã lắng nghe các tham luận của các đại biểu đến từ Hội Người khuyết tật Việt Nam, Viện FES…, trong đó GS.TS. Randzio Plath, Chủ tịch Hiệp hội Marie-Schlei (Đức) đã tham luận về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Đức, thực trạng cũng như giải pháp để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Theo bà Randzio Plath: Hiện nay, pháp luật quốc tế và ở hầu hết các quốc gia trên thế giới (trừ Vantican, Bahrai, và một số quốc gia Vùng Vịnh) đều quy định về nam, nữ bình đẳng. Đặc biệt sự ra đời của Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Cedaw) có hiệu lực từ năm 1981 là một bước tiến quan trọng trong việc công nhận các quyền của phụ nữ. Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện bình đẳng giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, còn có những hạn chế cần sự vào cuộc của nhà nước và của toàn xã hội. Phụ nữ không chỉ muốn mình là một nửa bầu trời, họ còn muốn là một nửa trái đất.
Tại phiên thảo luận, hội thảo nhận được hơn 20 ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên về thực trạng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, những khuyến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị tại Việt Nam. GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế – Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Bất bình đẳng giới đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới…muốn thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị cần có sự lên tiếng, vào cuộc của cả xã hội, các cơ quan nhà nước, các tổ chức và chính phụ nữ cũng cần phải thay đổi về tư duy, suy nghĩ…
GS.TS. Randzio Plath và các chuyên gia người Đức đã chia sẻ rất nhiều những kinh nghiệm của Đức và một số nước Châu Âu nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Kết thúc hội thảo, TS. Lương Văn Tuấn – Phó trưởng Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định: Phụ nữ là một nửa của nhân loại, lịch sử đã chứng minh phụ nữ có công lao to lớn trong đấu tranh, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Phụ nữ có quyền như nam giới được bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực chính trị.