Hội thảo vinh dự được đón tiếp TS. Trần Quang Tiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện và các đại biểu, chuyên gia Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Học viện Cảnh sát nhân dân; Trường Đại học Luật Hà Nội; cán bộ, giảng viên một số đơn vị trong Học viện và giảng viên, sinh viên tiêu biểu của Khoa Luật.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lương Văn Tuấn, Phó trưởng Khoa khẳng định Hội thảo được tổ chức với mong muốn trao đổi và cung cấp thông tin cho cán bộ, giảng viên, sinh viên để nhìn nhận đúng những vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay; biết cách nhận diện các hành vi, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao,góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật, nội quy của Học viện.

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đã và đang có những tác động rõ rệt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, nhưng cũng gây ra nhiều mối nguy hại khôn lường. Một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng thành tựu công nghệ thông tin để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực cả trong và ngoài nước, với những hình thức đa dạngvề thủ đoạn, phức tạp về tình tiết, nội dung, đe dọa sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và an toàn cá nhân. Với tính chất, phạm vi của tội phạm công nghệ cao hiện nay cần phải quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật mang tính thời sự. Đồng thời, xúc tiến việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giớiđể hỗ trợ khi áp dụng pháp luật hoặc trao đổi, dẫn độ tội phạm…

Theo Bộ Thông tin và truyền thông, cả nước ta có hơn 100 triệu thuê bao di động và trên 50 triệu người sử dụng Internet, đâylà con số đáng mừng khi cho thấy sự tiếp cận nhanh của người dân với những tiến bộ của công nghệ thông tin, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng phạm tội lạm dụng khai thác, sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao gia tăng nhanh chóng với diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gian xảo, kín đáo gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Luật sư Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: “hiện nay công tác đấu tranh với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn cần phải có sự chung tay góp sức của cả xã hội, phải có hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện, đội ngũ nhân sự vững chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thì mới có thể phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao được ”

Thạc sĩ Phạm Hồng Nhật,Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nhấn mạnh trong tham luận “Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực thương mại điện tử” về hoạt động của các loại tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, phức tạp và gây thiệt hại trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Việc điều tra, xử lý tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực này cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ cho các cơ quan chức năng đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phát hiện, khắc phục, xử lý kịp thời; đảm bảo giữ nguyên hiện trạng chứng cứ gốc; cẩn trọng trong quá trình điều tra chứng cứ, tránh trường hợp gây mất dữ liệu, dữ liệu bị đánh tráo…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh Ly, giảng viên Khoa Luật tham luận nội dung “Quyền về đời sống riêng tư của trẻ em trên các trang mạng xã hội” là quyền con người, theo đó trẻ em là những người còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt do đó quyền trên phải được tôn trọng và bảo vệ.

Thạc sĩ Lưu Trần Phương Thảo, giảng viên Khoa Luậttham luận nội dung “Tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực công chứng, chứng thực” đã chỉ rõ những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng trong việc làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ khác của các cơ quan nhà nước dưới nhiều thủ đoạn khác nhau nhằm thực hiện những hành vi gian dối, lừa đảo hòng đánh lừa để chiếm đoạt tài sản hoặc thực hiện các giao dịch trái pháp luật nhất là hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); bằng cấp giả…

Thiếu tá, Thạc sĩ Đinh Thành An, giảng viên Khoa Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Học viện Cảnh sát nhân dânchia sẻ thông tin thực tế nhận diện các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, gồm nhắn tin giả danh người thân để xin tiền nạp thẻ điện thoại, thẻ game hay nhờ chuyển một khoản tiền vào tài khoản mà bọn tội phạm đã lập sẵn hòng chiếm đoạt; thủ đoạn giả danh một số nhà mạng hay mạng xã hội nhắn tin cho người dân với nội dung trúng thưởng xe máy, ô tô, quà tặng…sau đó những người dân nhẹ dạ đã thực hiện một số thao tác theo hướng dẫn và khi phát hiện mình bị lừa thì đã mất số tiền lên tới hàng triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng…

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ, trao đổi của các cán bộ, giảng viên và sinh viên tham dự. Thiếu tá Đinh Thành An khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao và mọi lúc mọi nơi công dân nói chung, đặc biệt là sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam nếu phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao hãy tới các cơ quan chức năng gần nhất để trình báo nhằm phòng ngừa cũng như phát hiện các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, gia đình, xã hội và nhà nước.