Tham dự có các đại biểu Quốc hội, đại diện các Ủy ban của Quốc hội, thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật, giáo sư Ichihashi Katsuya, nguyên Phó Chủ tịch Đại học Nagoya và giáo sư Honda Takio, Trưởng khoa Luật Đại học Ruykoku Nhật Bản.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Nguồn NhanNguyenThai
Hội thảo đã lắng nghe các giáo sư Nhật Bản chia sẻ tổng quan về những quy định pháp luật liên quan đến hành chính của Nhật. Nhật Bản hiện đang có Luật về các tổ chức hành chính, Luật Thủ tục hành chính, Luật giám sát khiếu nại, tố cáo và hành chính, Luật đạo đức công vụ, Luật bảo vệ thông tin cá nhân…và các khía cạnh khác về hành chính đã được quy định theo các luật chuyên ngành về điện, nước, giao thông… Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm hơn 40 năm trăn trở Nhật Bản mới ban hành được Luật Thủ tục hành chính, các giáo sư đã lưu ý Việt Nam khi xây dựng Luật Hành chính công cần phải quan tâm đến các ý kiến đóng góp, phân tích đa chiều và quyết định phù hợp với điều kiện và bối cảnh pháp luật thực tế. Đồng thời, cân nhắc phạm vi điều chỉnh của dự án luật nên bao gồm cả dịch vụ công, thông tin công, dịch vụ khác và các hành vi hành chính
Các giáo sư Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm
Mặc dù Nhật Bản không có Luật Hành chính công, nhưng các giáo sư Nhật Bản đã đánh giá cao ý tưởng và nỗ lực xây dựng Luật Hành chính công của Việt Nam là một bước tiến lớn, một thay đổi quan trọng từ hành chính mệnh lệnh sang hành chính phục vụ, xác lập nguyên tắc chung về nền hành chính phục vụ và tạo tiền đề ra bản án hành chính, xây dựng án lệ. Cũng theo các giáo sư, khi thay đổi cách điều hành hành chính quốc gia sẽ làm thay đổi văn hóa hành chính theo hướng thiết lập quan hệ mở giữa các cơ quan hành chính với người dân một cách minh bạch, hiệu quả.
Luật Hành chính công là dự án Luật đầu tiên được Quốc hội xem xét xây dựng trên cơ sở sáng kiến của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Hy vọng dự án Luật này sẽ xem xét một cách thấu đáo những vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân trong việc sử dụng nguồn lực công, cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhân dân trong trường hợp bị từ chối sử dụng dịch vụ công…và tiến đến một bước đột phá về quan hệ hành chính có thỏa thuận, bảo đảm quyền đối thoại của Nhân dân với cơ quan hành chính trước khi thực hiện các quyết định hoặc hành vi hành chính cụ thể.