Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều đại biểu, chuyên gia, giảng viên và sinh viên.
Khách mời có sự tham dự của bà Trần Hồng Hạnh, đại diện Viện Friedrich- Ebert-Stiftung (FES); ông Bùi Đình Ứng, Trưởng Văn phòng LS Bùi Đình Ứng, thành viên Hội đồng Học viện Phụ nữ Việt Nam; bà Cao Thị Hồng Minh, Phó Trưởng ban Luật pháp – Chính sách Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện lãnh đạo và giảng viên của các cơ sở đào tạo đại học Luật của Khoa Luật Đại học Ngoại thương; Khoa Luật Đại học Lao động xã hội; Khoa Luật Học viện Ngân hàng; Khoa Luật Học viện Thanh thiếu niên; Khoa Luật Đại học văn hoá; Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện Khoa học pháp lý; Viện Nhà nước và Pháp luật; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; chuyên viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; giảng viên và sinh viên các khóa của Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Thị Lan, Trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, Đại học Luật Hà Nội; TS Lê Lan Chi, Phụ trách bộ môn Luật hình sự, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS Hà Thị Thanh Vân, Ủy viên Ban chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đồng chủ trì
Hội thảo đã nghe 5/14 về tham luận: Pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trong hoạt động tranh tụng tại tòa án (PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giảng viên cao cấp, Phó trưởng Bộ môn Luật tố tụng dân sự, Đại học Luật Hà Nội); Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật tố tụng hình sự (TS. Lê Lan Chi, Phụ trách bộ môn Luật hình sự, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội); Bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự là phụ nữ trong tố tụng dân sự (ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang Giảng viên khoa Luật, Học viện phụ nữ Việt Nam); Bình đẳng giới trong xét xử vụ án hôn nhân gia đình (Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) và Bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động trợ giúp pháp lý (ông Trần Nguyên Tú, Vụ Pháp chế – Thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ThS Hà Thị Thanh Vân cảm ơn Viện FES đã quan tâm tài trợ để khoa Luật tổ chức hội thảo; các tác giả có tham luận, các diễn giả trình bày tham luận và đại biểu dành thời gian tham gia, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của đơn vị tổ chức hội thảo. Đồng thời, nhấn mạnh 05 khía cạnh đã được các tác giả thể hiện qua các bài tham luận và trao đổi thảo luận tại hội thảo:
Một là, tranh tụng tại Tòa án là một khâu quan trọng trong hoạt động tố tụng và việc đảm bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trong tranh tụng có nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích cho các bên liên quan
Hai là, pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới trong tố tụng nói chung và tranh tụng nói riêng đã được quy định nhưng chưa đầy đủ, đồng bộ giữa tố tụng hình sự, dân sự và hành chính
Ba là, pháp luật tố tụng và nội dung có một số quy định dành riêng cho phụ nữ, trẻ em gái không phải là phân biệt đối xử so với nam giới và không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng giới trong tố tụng và tranh tụng vì đây là các chính sách dành riêng cho phụ nữ với tư cách người mẹ, phù hợp với Khoản 4 Điều 6 Luật Bình đẳng giới.
Bốn là, hoạt động tố tụng nói chung, tranh tụng nói riêng có thể tạo ra những bất lợi đối với cả nam và nữ, do đó quan tâm đến việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới phải bảo đảm đối với cả nam và nữ, trừ các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới chỉ dành riêng cho 1 giới tính hoặc các chính sách dành cho người mẹ
Năm là, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong tố tụng nói chung và tranh tụng nói riêng phải là trách nhiệm của cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, bị cáo, bị hại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan…
Từ đó, gợi mở khoa Luật nên có tóm tắt kết quả hội thảo, đề xuất 04 vấn đề sau để tạo bước đột phá trong việc sử dụng kết quả của Hội thảo:
Thứ nhất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật nội dung và tố tụng để bảo đảm thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới
Thứ hai, kiến nghị đẩy nhanh quá trình thành lập Tòa trẻ em và hôn nhân gia đình và hoàn thiện cơ sở vật chất đối với các tòa án để bảo đảm bình đẳng giới trong các vụ án, vụ việc có liên quan đến đối tượng đặc biệt, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại.
Thứ ba, kiến nghị tăng cường bồi dưỡng về bình đẳng giới cho các chủ thể tham gia tố tụng, đặc biệt là những người tiến hành tố tụng để bảo đảm tốt nhất nguyên tắc bình đẳng trong tố tụng và tranh tụng
Thứ tư, kiến nghị tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức về giới và bình đẳng giới cho cộng đồng để giảm định kiến giới, tạo thuận lợi cho việc thực hiện bình đẳng giới
ThS Nguyễn Thị Khánh Ly, Phó trưởng khoa Luật trân trọng cảm ơn các nhà khoa học và đại biểu tham dự Hội thảo đã tâm huyết, trách nhiệm và gợi mở nhiều vấn đề bổ ích, cảm ơn sự tải trợ, ủng hộ của Viện FES đã góp phần quan trọng cho thành công của Hội thảo. Sự thành công của Hội thảo là nguồn động viên lớn để khoa Luật tiếp tục có những thành tựu lớn hơn trong hoạt động chuyên môn nói chung và hoạt động nghiên cứu khoa học phù hợp với chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2021-2025.