Đón tiếp đoàn là TS. Lương Văn Tuấn – Phó trưởng khoa Luật; Ths. Nguyễn Hoàng Anh – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phụ nữ cùng các giảng viên, nghiên cứu viên của học viện. Về phía tổ chức ActionAid có bà Fyfe Strachan – Cố vấn kỹ thuật về chiến dịch và Truyền thông của Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và bà Dr Lila Caballero – Cố vấn chính sách của tổ chức ActionAid UK.
Tại buổi gặp gỡ, TS. Lương Văn Tuấn bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp đoàn đến thăm và trao đổi công việc tại học viện về các vấn đề mà cả hai bên đều quan tâm là bình đẳng giới, quyền có việc làm bền vững của phụ nữ. TS. Lương Văn Tuấn cũng giới thiệu lịch sử hình thành, phát triển, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu của Học viện Phụ nữ Việt Nam và mong muốn cuộc gặp gỡ này sẽ mang lại sự hiểu biết cho cả hai bên về đối phương trên cở sở đó hình thành chiến lược hợp tác lâu dài.
Đại diện tổ chức ActionAid, bà Fyfe Strachan đã giới thiệu một số nét chính về tổ chức này.
ActionAid là tổ chức quốc tế chống đói nghèo làm việc tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Họ sát cánh cùng người nghèo để chấm dứt đói nghèo và bất công. ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) được thành lập năm 1992 là một bộ phận của ActionAid Quốc tế (AAI) và chuẩn bị trở thành thành viên đầy đủ của Liên đoàn toàn cầu này. AAV đã hoạt động tại Việt Nam được 20 năm với các chương trình phát triển dài hạn tại các khu vực (vùng núi) Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực nghèo đô thị. Áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, AAV thực hiện các cam kết của mình thông qua 5 ưu tiên về chương trình: Thúc đẩy các giải pháp sinh kế thay thế và nông nghiệp bền vững; Nâng cao trách nhiệm giải trình và tình đoàn kết nhân dân nhằm thay đổi xã hội, tăng cường lãnh đạo trẻ và tín nhiệm xã hội dân sự; Thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cho trẻ em; Ứng phó với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu bằng các phương pháp lấy con người làm trung tâm; Xây dựng các giải pháp xã hội và chính trị cho phụ nữ và trẻ em gái.
Ngoài ra, hai bên còn trao đổi về các vấn đề có hay không chính sách công nghiệp của Việt Nam trong việc thúc đẩy tạo việc làm nhất là trong việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận việc làm trong khu vực chính thức; Sự tác động của việc tự do hoá thương mại, thông qua các hiệp định thương mại như: Hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu đối với phụ nữ; Mối liên hệ giữa chính sách công nghiệp (nếu có) và chiến lược bình đẳng giới và các chính sách xã hội liên quan khác tại Việt Nam; Quá trình biến những chính sách công nghiệp bình đẳng giới đã thực hiện tại các nước trên thế giới thành sự thật tại Việt Nam…
Cũng tại buổi làm việc, đại diện của tổ chức ActionAid cũng chia sẻ về các yếu tố đảm bảo bình đẳng giới trong chính sách công nghiệp; Việc thực hiện các chính sách công nghiệp bình đẳng giới và những thách thức trong việc đảm bảo công lý giới tại nơi làm việc đã được áp dụng tại các nước.
Buổi làm việc giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam và đại diện tổ chức ActionAid đã góp phần tăng cường sự hợp tác, giao lưu, trao đổi, chia sẻ về tình hình nghiên cứu về bình đằng giới và phụ nữ của học viện nói chung và khoa Luật nói riêng. Buổi gặp gỡ đã mở ra những cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa hai bên vì một Việt Nam bình đẳng và phát triển bền vững.