Ngày 14/7/2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2474/QĐ-BGDĐT Về việc cho phép Học viện Phụ nữ Việt Nam đào tạo ngành Luật trình độ đại học hệ chính quy. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Học viện Phụ nữ Việt Nam tiến hành tuyển sinh, đào tạo hệ cử nhân Luật và tiến tới thành lập Khoa Luật đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên môn của quá trình đạo tạo. Hiện nay, với đội ngũ cán bộ giảng viên đã được chuẩn hóa theo quy định của pháp luật, có học vị từ Thạc sỹ trở lên, giàu kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy, nhiệt tình tâm huyết với sự nghiệp trồng người, đội ngũ giảng viên ngành Luật học của Học viện sẽ đáp ứng đầy đủ và cao nhất những yêu cầu của chương trình đào tạo cử nhân.   

Ngành Luật học của Học viện sẽ tập trung đào tạo 3 lĩnh vực chuyên sâu vừa mang tính đặc thù vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, bao gồm chuyên ngành Pháp luật về Phụ nữ và bình đẳng giới, Pháp luật Kinh tế, Pháp luật Hành chính. Ngành luật học sẽ trang bị cho người học những kiến thức chung nhất về nhà nước và pháp luật và các kỹ năng cần thiết đối với người học luật, hành nghề luật. Trên cơ sở những kiến thức chung đó, người học sẽ lựa chọn chuyên ngành phù hợp với nguyện vọng của mình để tốt nghiệp. Cụ thể:

– Với chuyên ngành Pháp luật về Phụ nữ và bình đẳng giới, người học có nguyện vọng và tâm huyết với sự nghiệp phát triển phụ nữ sẽ được tiếp cận các môn học Pháp luật về bình đẳng giới, Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp luật về phòng chống buôn bán người, Pháp luật về quyền và nghĩa vụ của Phụ nữ, Pháp luật về quyền trẻ em, Pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, Tham gia xây dựng pháp luật về bình đẳng giới.

– Trong chuyên ngành Pháp luật Kinh tế, người học sẽ được nghiên cứu chuyên sâu về Luật sở hữu trí tuệ, Luật đầu tư, Luật an sinh xã hội, Luật ngân hàng, Luật môi trường, Pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. 

– Chuyên ngành đào tạo Pháp luật Hành chính, người học được bồi dưỡng tập trung chuyên sâu về các kiến thức hành chính và quản lý hành chính nhà nước như Quản lý hành chính trong một số lĩnh vực, Luật tố tụng hành chính, Pháp luật về công chức, công vụ, Pháp luật về công chứng và chứng thực, Pháp luật về thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo, Thủ tục hành chính.

Sau khi tốt nghiệp, người học có triển vọng trở thành cán bộ, công chức, viên chức được tham gia làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ trung ương đến cơ sở với các công việc có tính thực tiễn, năng động cao hoặc trở thành cán bộ nghiên cứu về phụ nữ, bình đẳng giới, quyền con người… Ngoài ra, người học còn có thể trở thành công chức trong lĩnh vực lập pháp, hành chính, tư pháp tham gia làm việc tại các cơ quan công quyền như Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp; và vẫn có thể làm việc tại các doanh nghiệp quốc doanh hoặc tư nhân hoặc hành nghề độc lập như Luật sư, Công chứng viên, Giám định viên, Trọng tài viên…hoặc tham gia làm việc trong các tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực chuyên sâu về quyền con người, quyền trẻ em, quyền phụ nữ…Đối với người học ở chuyên ngành Pháp luật kinh tế thì khả năng thích ứng với các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hay các hiệp hội như Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức quốc tế phi chính phủ… sẽ cao hơn. Đối với những người theo học ở chuyên ngành Pháp luật hành chính thì khả năng đáp ứng cao ở các vị trí việc làm thiên về tổ chức nhân sự, hành chính văn phòng trong các cơ quan công quyền (như Ủy ban nhân dân, Sở, ban, ngành, Tòa án, Viện kiểm sát…) và khối hành chính tư nhân.

Ngoài ra, người học ngành Luật học còn được trang bị các kỹ năng chung và kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành trong suốt quá trình học tập. Với thời lượng là 10 tín chỉ, môn học tiếng Anh sẽ rèn luyện cho người học khả năng sử dụng thứ ngôn ngữ quốc tế này tương đương với chuẩn B1 Châu Âu. Vì vậy, người học có đủ điều kiện và có thể tự tin theo học tiếp các khóa học Sau đại học và tham gia làm việc tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Sinh viên ngành Luật có nhiều cơ hội học tập với giảng viên quốc tế

Học viện đã và đang xây dựng đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc gia về trình độ và khả năng đứng lớp (gồm các Tiến sỹ, Nghiên cứu sinh và Thạc sỹ được đào tạo chuyên sâu về ngành Luật), giàu kinh nghiệm giảng dạy, phương pháp dạy học tích cực, tư duy năng động, sáng tạo, thân thiện, nhiệt tình sẽ giúp sinh viên ngành Luật cảm thấy hứng thú và yêu mến ngành, nghề lựa chọn.

Năm học 2016 – 2017, được sự cho phép của Bộ GD & ĐT, Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục tuyển sinh thêm 600 chỉ tiêu đại học chính quy 4 ngành đào tạo trong đó có 180 chỉ tiêu của ngành Luật.

Mọi thông tin xin liên hệ:

Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam

Điện thoại: 04.37759040

Hoặc Thông tin chung về Tuyển sinh xin liên hệ:

Phòng Đào tạo:

Điện thoại: (043) 775 1750 

Email: tuyensinh@vwa.edu.vn;