CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP NGÀNH LUẬT

 Có thể nói, ngành luật đang là một trong những ngành nghề phổ biến và không thể thiếu của xã hội. Khi xã hội ngày càng phát triển, có rất nhiều vấn đề nảy sinh thì ngành luật lại càng trở nên quan trọng, kéo theo cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành Luật lại càng lớn. Nói đến việc làm ngành luật, mọi người thường nghĩ đến nghề luật sư, hay những công việc tại tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án…Thế nhưng, người học luật có thể làm việc tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, trường học, viện nghiên cứu.. thậm chí nhu cầu rất lớn tại các phòng/ban pháp chế, nhân sự, hành chính, tổ chức…ở các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty liên doanh, trung tâm, tổ chức trong và ngoài nước … trên tất cả các lĩnh vực đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính, kinh tế…Do vậy, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành luật là rất rộng và nhu cầu sử dụng kiến thức luật pháp ngày càng cao.

Hiện nay ở nước ta có rất nhiều các cơ sở đào tạo luật, vậy đào tạo Luật ở Học viện Phụ nữ Việt Nam có gì khác biệt?

ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN

Đội ngũ giảng viên của Khoa có khoảng 30 người đều từ trình độ thạc sỹ trở lên, có năng lực, phẩm chất tốt; nhiệt tình, năng động, thường xuyên tiếp cận những tri thức hiện đại,  đổi mới trong phương pháp giảng dạy để đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách giáo dục. Đặc biệt, với phương châm “lý luận phải gắn liền thực tiễn”, Khoa luật đã và đang  xây dựng và phát triển mạng lưới nghề luật, bao gồm những giảng viên kiêm nhiệm tại cơ sở đào tạo Luật uy tín trong và ngoài nước, cộng tác viên – là những chuyên gia, những người làm việc thực tế về luật pháp tại cơ quan, đoàn thể, tổ chức – giàu kinh nghiệm thực tế.. Tất cả hợp thành đội ngũ giảng viên, cộng tác viên chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, tận tâm tận lực với nghề.

HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO

Khoa Luật được giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học chuyên ngành Luật của Học viện với khối tuyển sinh là A, C, D, thời gian đào tạo 4 năm theo học chế tín chỉ. Bên cạnh việc trang bị những kiến thức pháp lý cơ bản, những vấn đề lý luận và thực tiễn pháp luật Việt Nam, kết hợp ưu thế của những môn đặc thù của Học viện: Giới, kiến thức về quyền và nghĩa vụ của Phụ nữ…sinh viên luật của Học viện được đào tạo theo hướng chuyên sâu trên cơ sở  lựa chọn một trong ba khối kiến thức: Pháp luật về Phụ nữ và bình đẳng giới, Pháp luật Kinh tế, Pháp luật Hành chính. Đây là những lĩnh vực pháp lý rất cần những chuyên gia giỏi trong điều kiện chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng và phấn đấu đạt thành tựu cao về bình đẳng giới. Ngoài ra, chương trình học còn được thiết kế giúp sinh viên bổ trợ các kỹ năng nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành luật như thuyết trình; phân tích, đánh giá logic, điều tra, giải quyết hồ sơ vụ việc; tư vấn giải quyết… Ngay từ học kỳ đầu của năm học, sinh viên được làm quen với môn nghề luật và phương pháp học đại học ngành luật….để giúp các em có thông tin, định hướng cho việc xây dựng, rèn luyện và củng cố niềm đam mê học luật, tinh thần làm việc trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

 HOẠT  ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Khoa Luật luôn coi hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động trọng điểm hàng đầu của các giảng viên, sinh viên ngành luật. Lấy phương châm gắn lý luận với thực tiễn, hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa Luật hướng vào những vấn đề lý luận cơ bản và ứng dụng của pháp luật trong đời sống xã hội và lồng ghép các vấn đề về giới, bình đẳng giới. Tại Khoa luật, sinh viên luôn có cơ hội thử thách trong các hoạt động nghiên cứu khoa học với việc tham gia CLB sinh viên nghiên cứu khoa học, các buổi hội thảo/tọa đàm, sinh hoạt khoa học, tham gia các cuộc thi chuyên ngành luật trong và ngoài Học viện, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học từ những năm học đầu tiên… Qua đó rèn luyện tư duy, phương pháp, kỹ năng nghiên cứu, trang bị sinh viên các  kỹ năng mềm làm việc hiệu quả

Năm học 2016 – 2017 Khoa đã tổ chức hội thảo “Pháp luật về kinh doanh đa cấp – những vấn đề về lý luận và thực tiễn”; nhóm sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Tìm hiểu nhận thức và thái độ của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam về quy định của pháp luật trong chuyển đổi giới tính”

CÔNG TÁC HỖ TRỢ SINH VIÊN

Đến với Khoa Luật, ngay sau những ngày đầu nhập học, sinh viên năm thứ nhất được trải nghiệm trong các cuộc giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề về nghề luật với sự chia sẻ đến từ các cộng tác viên trong mạng lưới nghề luật của Khoa. Qua đó củng cố thêm niềm tin, động lực để sinh viên học tập, rèn luyện và phấn đấu dưới mái trường Học viện.

Công tác sinh hoạt ngoại khóa, đoàn thể được chú ý mạnh mẽ giúp sinh viên rèn luyện thể chất, khỏe mạnh về tinh thần. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, sinh viên của Khoa luôn hăng hái xung kích trong các phong trào văn nghệ/thể thao do Học viện, Khoa phát động, tiêu biểu như: tham gia các giải bóng đá nam/nữ do Học viện tổ chức, tham gia hội diễn của các ban ngành đoàn thể huy động….Tất cả đã tạo ra một bầu không khí thân thiện, đoàn kết trong tập thể lớp, góp phần nâng cao hiệu quả học tập và rèn luyện của tập thể sinh viên Khoa Luật…

Cùng với nỗ lực của cả Học viện, Khoa Luật cam kết đồng hành cùng sinh viên trong suốt cuộc hành trình khơi dậy đam mê, trau dồi tri thức pháp luật, phát triển kỹ năng, kiến thức của thế hệ công dân toàn cầu, phục vụ lợi ích chung xã hội gắn với mục tiêu bình đẳng giới.

Mọi thông tin liên lạc cần tư vấn xin vui lòng gửi về:

Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam; Số điện thoại: 0437759040

Email: khoaluat@vwa.edu.vn

 

                                                                                                  Ths. Trần Thị Thanh Huyền – Giảng viên Khoa luật