Về mặt quản lý Nhà nước, công chức cấp xã, phường là bộ phận chuyên môn, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền cơ sở, đồng thời chịu sự lãnh đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan Tư pháp cấp trên, là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện của cả ngành Tư pháp nhằm đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống của nhân dân, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, góp phần quản lý Nhà nước ở địa phương duy trì trật tự, ổn định xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội ở cơ sở. Nhiệm vụ của công chức Tư pháp – Hộ tịch được quy định cụ thể tại Thông tư số 06/TT-BNV của Bộ Nội Vụ ngày 30/10/2012 hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức cấp xã, phường, thị trấn.

Để trở thành công chức Tư pháp – Hộ tịch phải có những tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/11/2011 về Công chức xã, phường, thị trấn; Điều 2 tại Thông tư số 06/TT-BNV của Bộ Nội Vụ ngày 30/10/2012 về hướng dẫn chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức cấp xã, phường, thị trấn và Khoản 2, Điều 72 của Luật Hộ tịch năm 2014. Như vậy, tiêu chuẩn để làm công chức Tư pháp – Hộ phải có ít nhất bằng trung cấp Luật trở lên và Đại học Luật với một số thành phố lớn: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng…

Công chức Tư pháp – Hộ tịch có nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu cho UBND ban hành tất cả các loại văn bản liên quan đến quản lý nhà nước tại địa phương, gồm kế hoạch, thông báo, công văn, tờ trình, quyết định hành chính có tính quy phạm và cá biệt; trả lời đơn thư, trả lời đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân; chứng thực; hòa giải cơ sở và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và xử phạt hành chính về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đất đai, vệ sinh môi trường, văn hóa thông tin…

Để tham mưu ban hành văn bản, công chức Tư pháp – Hộ tịch phải nắm vững kiến thức Luật Hiến pháp, Luật hành chính và các văn bản pháp luật chuyên ngành để khi ban hành các văn bản này có tính thực thi, không bị chồng chéo, không trái Hiến pháp và pháp luật hoặc ra các quyết định xử phạt hành chính phải đúng thẩm quyền, đúng hành vi, tránh sự khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân góp phần ổn định chính trị – xã hội ở địa phương.

          Để tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải cơ sở và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, công chức Tư pháp – Hộ tịch phải tìm hiểu quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Luật chuyên ngành; có kỹ năng tiếp dân, kỹ năng lắng nghe, giải thích, phân tích. Công chức Tư pháp – Hộ tịch cần gặp gỡ các bên, kiên trì, nhẫn nại thuyết phục để các bên mâu thuẫn, tranh chấp thấy được cái đúng, cái sai của mình (theo quy định của pháp luật, theo phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, của địa phương…), từ đó làm giảm bớt căng thẳng mâu thuẫn, đồng thời thực hiện kỹ năng vận dụng pháp luật để tham mưu cho lãnh đạo UBND thực hiện công tác và thẩm quyền áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc hợp tình, hợp lý tránh khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp gây lãng phí thời gian, tiền của của cá nhân, tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước.

          Để chứng thực, công chức Tư pháp – Hộ tịch phải nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực giao dịch hợp đồng…liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân Gia đình, Luật Đất đai, Luật Hộ tịch…cần phải được nghiên cứu kỹ, nếu sơ suất sẽ dẫn tới hậu quả khó lường, tranh chấp xảy ra và phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật về công việc mình thực hiện.

          Để thực hiện tốt công tác hộ tịch (xác nhận tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra cho đến khi chết), công chức Tư pháp – Hộ tịch cần có kiến thức pháp luật chuyên sâu về Luật Hộ tịch, Luật cư trú, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình và các kỹ năng lưu trữ hồ sơ (điện tử và giấy), tư vấn pháp luật liên quan đến quyền nhân thân….của mỗi cá nhân.

          Ngoài ra, công chức Tư pháp – Hộ tịch còn phối hợp với cơ quan Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án Hình sự, Thi hành án dân sự, tổ chức hành nghề công chứng, Tổ chức Thừa phát lại, Ngân hàng… để tống đạt các văn bản giấy tờ của đương sự, quản lý hồ sơ án treo tại địa phương, cải tạo không giam giữ, giáo dục trẻ dưới vị thành niên. Bên cạnh đó, còn phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên để thực hiện công tác trợ giúp pháp lý nhằm tăng cường sự đảm bảo công bằng bình đẳng cho phái nữ, các quyền lợi của thanh thiếu niên, người nghèo, yếu thế trong xã hội…

          Tất cả những kiến thức và kỹ năng liên quan đến công  việc của công chức Tư pháp – Hộ tịch là một quá trình dài, nên cần phải được đào tạo bài bản, cần được tích lũy và đúc rút kinh nghiệm thường xuyên. Để tạo lập nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp theo chức danh công chức Tư pháp – Hộ tịch, người học luật, đặc biệt là sinh viên hãy chuẩn bị cho bản thân những kiến thức pháp luật đầy đủ nhất ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các bạn sinh viên ngành luật cần trau dồi những kỹ năng nghề nghiệp và những phẩm chất đòi hỏi đối với nghề tư pháp – hộ tịch, cần nghiên cứu tốt lý thuyết, tích cực tham gia các hoạt động thảo luận, thực hành trên lớp. Ngoài ra, cũng cần đầu tư nhiều thời gian để tham gia các buổi sinh hoạt thường xuyên của Câu lạc bộ Nghề luật, các buổi tập sự hành nghề luật…