1. Phiên tòa giả định
Là hình thức để sinh viên được rèn luyện các kỹ năng như những người đang hành nghề luật thực thụ.
Trong vai “diễn án”, sinh viên sẽ lần lượt được trở thành: luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo; thẩm phán điều khiển phiên tòa xét xử; kiểm sát viên đại diện cho Nhà nước truy tố bị can, bị cáo ra trước pháp luật; và sinh viên cũng có thể đóng vai các bị can, bị cáo hay các đương sự trong những vụ án hình sự, dân sự, hành chính…
Trong những phiên tòa giả định này, sinh viên sẽ được làm quen với “bầu không khí” của một phiên tòa, ở đó, dưới sự dẫn dắt, điều khiển của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã và đang công tác ở những vị trí, chức danh nghề luật như Chánh án, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư…sinh viên sẽ luôn cảm nhận và được trải nghiệm tính căng thẳng, kịch tính của một phiên tòa thực thụ. Đây là cơ hội tốt giúp sinh viên áp dụng những kiến thức luật học đã được tiếp nhận tại các giờ học lý thuyết. Ngoài ra, sinh viên tiếp tục nhận được những kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia điều khiển phiên tòa giả định từ cách nói, cách lập luận, cách tranh luận với đối phương, cách xét hỏi bị can, bị cáo, nhân chứng và các đương sự…để sao cho bị can, bị cáo, nhân chứng và các đương sự sẽ phải trả lời (nói ra) sự thật của vụ án, vụ việc để thẩm phán có thể kết luận được bản chất vụ án, vụ việc và nhân danh Nhà nước tuyên án.
2. Phiên làm việc của Trọng tài viên
Cũng trong “vai diễn”, nhưng tại các phiên làm việc với Trọng tài viên, sinh viên có cơ hội được học tập và trải nghiệm các vai diễn trong những vụ việc kinh doanh, thương mại có tranh chấp. Các vụ việc có tranh chấp trong kinh doanh, thương mại hiện nay rất đa dạng, phong phú và rất rộng về không gian (có thể là tranh chấp trong nước, cũng có thể là những tranh chấp quốc tế) trong đó, các chủ thể tham gia thường là các công ty, các cá nhân kinh doanh thương mại…
Trong phiên làm việc của Trọng tài viên, sinh viên cũng được hướng dẫn bởi các chuyên gia về thương mại quốc tế, về sản xuất kinh doanh nói chung. Đây là dịp giúp cho sinh viên chuyên ngành kinh tế nâng cao thêm các kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu hồ sơ và ra phán quyết trong vụ án trọng tài thương mại (trọng tài kinh tế), tính thiết thực của loại tài phán trọng tài trong đời sống kinh tế quốc tế hiện nay.
3. Phiên tư vấn của Luật sư
Đối với những sinh viên ngành luật yêu thích và mong muốn trở thành Luật sư trong tương lai sẽ được tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia là Luật sư đang hành nghề luật tại các công ty, văn phòng luật hay các tập đoàn kinh tế khác của đất nước.
Trong những buổi tập sự tư vấn như Luật sư, sinh viên sẽ được hướng dẫn và trải nghiệm cách thức tiếp cận khách hàng, tiếp nhận yêu cầu tư vấn của khách hàng, cách thức trả lời từng vấn đề để đáp ứng nhu cầu tư vấn pháp luật của khách hàng. Tại buổi làm việc với khách hàng, sinh viên còn được hướng dẫn và thực hành cách thức tính phí, cơ sở pháp lý để thu phí và tiến hành thu phí của Luật sư đối với khách hàng.
Cũng trong buổi làm việc tư vấn của Luật sư, sinh viên sẽ được tiếp xúc với nhiều tình huống pháp lý sinh động để có thể trải nghiệm về một yêu cầu tư vấn phù hợp với pháp luật, phù hợp với đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc ngược lại. Qua đó, sinh viên hình thành kỹ năng nhận diện được những công việc có thể đáp ứng hoặc từ chối tiếp nhận đối với khách hàng.
4. Phiên làm việc của Công chứng viên
Trải nghiệm trong nghề luật, sinh viên tham gia Câu lạc bộ Nghề luật cũng được trải nghiệm các hoạt động của nghề Công chứng viên. Tại buổi làm việc của Công chứng viên, sinh viên được tiếp xúc các kỹ năng hành nghề của nghề công chứng như cách thức nghiên cứu tài liệu, phân loại tài liệu giấy tờ, phân biệt giấy tờ thật và giấy tờ giả…Nghề Công chứng là nghề được Nhà nước cho phép hoạt động để có thể tạo lập chứng cứ cho các giao dịch dân sự, hợp đồng… làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp sau này (nếu tranh chấp phát sinh). Vì vậy, hoạt động tác nghiệp của Công chứng viên vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. Chính vì vậy, Công chứng viên luôn phải “tỉnh táo” và “sáng suốt” trong việc tiếp nhận, phân loại và đánh giá công việc cũng như các giấy tờ thật – giả để tiến hành hoạt động tác nghiệp của mình.
5. Hoạt động của Kiểm sát viên
Tham gia phiên tòa với tư cách đặc biệt – là công tố viên truy tố những hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, pháp nhân ra trước pháp luật, Kiểm sát viên có vị trí, vai trò đặc biệt trong phiên tòa.
Dưới sự hướng dẫn của Kiểm sát viên, sinh viên sẽ từng bước được tiếp xúc với những vụ việc, những hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, bị cáo và cách thức tìm tòi, lập luận, nghiên cứu văn bản và ra kết luận truy tố của Kiểm sát viên đại diện cho Viện Kiểm sát nhân dân… và được hướng dẫn để hiểu khi nhân danh Nhà nước để thực hiện hoạt động bảo vệ pháp luật, Kiểm sát viên luôn phải đối diện với các hành vi vi phạm pháp luật tinh vi, đối tượng thực hiện hành vi cũng luôn có những thủ đoạn xảo quyệt, thế lực mạnh, vì vậy, Kiểm sát viên cần phải có những kỹ năng nghiệp vụ thật sự vững cũng như có những phẩm chất cao quý để có thể tiến hành các hoạt động truy tố của mình một cách độc lập, vững vàng.
Với phương thức đào tạo gắn lý thuyết với thực hành thông qua Câu lạc bộ nghề Luật trao cơ hội cho sinh viên khắc phục được tình trạng giỏi lý thuyết nhưng yếu kỹ năng thực hành, qua đó, gia tăng khả năng hội nhập, tìm kiếm cơ hội việc làm và vị trí công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp.