Tham dự hội thảo về phía khách mời có TS. Trần Thị Hương, Trưởng Bộ môn Kiểm định và Bảo đảm chất lượng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Các đại biểu đến từ một số trường đại học và viện nghiên cứu. Về phía Học viện có sự tham dự của PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, PGS.TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện, lãnh đạo và cán bộ, giảng viên các đơn vị khoa, phòng, viện, trung tâm thuộc Học viện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá và phản hồi kết quả học tập tới người học. Giám đốc khẳng định rằng việc phản hồi không chỉ giúp sinh viên nắm bắt được mức độ tiến bộ của mình mà còn là công cụ quan trọng giúp giảng viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. PGS.TS. Trần Quang Tiến cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quy trình thiết kế và phát triển chương trình dạy học, coi đây là nền tảng cốt lõi để đảm bảo chất lượng đào tạo. Giám đốc cho rằng một quy trình thiết kế và phát triển chương trình dạy học khoa học và linh hoạt sẽ giúp chương trình không chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập của sinh viên mà còn thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và yêu cầu xã hội. Việc xây dựng và liên tục cập nhật quy trình này sẽ giúp Học viện tạo ra những chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao, đồng thời đảm bảo rằng sinh viên khi tốt nghiệp không chỉ có kiến thức vững vàng mà còn sở hữu những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường làm việc cạnh tranh.

Ban điều hành hội thảo: PGS.TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Trần Thị Hương – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Ths. Nguyễn Minh Phương – Trưởng Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng

Tại hội thảo, bốn tham luận chính đã được trình bày, mang đến nhiều góc nhìn chuyên sâu về các vấn đề đang được quan tâm.

Tham luận 1: Ths. Nguyễn Minh Phương – Trưởng Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng, đã chia sẻ về nội dung “Các phương thức phản hồi kết quả học tập tới người học hiện có và đề xuất phương thức phản hồi hiệu quả“. Bài tham luận nêu bật các phương pháp phản hồi đang được áp dụng và đề xuất những cải tiến nhằm tăng cường tính hiệu quả trong việc truyền đạt thông tin đến sinh viên.

Tham luận 2: Ths. Hoàng Anh Tú – Phó Trưởng Phòng Đào tạo, đã trình bày về nội dung “Tồn tại và đề xuất giải pháp về cải tiến các quy trình thiết kế và phát triển chương trình đào tạo“. Tham luận tập trung vào việc nhận diện các thách thức hiện tại trong quy trình thiết kế chương trình đào tạo và đưa ra những giải pháp khả thi để khắc phục.

Tham luận 3: TS. Lại Thị Hải Bình – Trưởng khoa Truyền thông Đa phương tiện, đã đưa ra những “Khó khăn và đề xuất giải pháp khi thiết kế, phát triển các chương trình dạy học“. Bài tham luận nhấn mạnh các khó khăn mà giảng viên gặp phải khi phải cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn, đồng thời đề xuất các biện pháp hỗ trợ quá trình này.

Tham luận 4: TS. Trần Thị Hương – Trưởng Bộ môn Kiểm định và Bảo đảm chất lượng, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội, đã mang đến hai nội dung quan trọng: “Tăng cường năng lực thực hiện Quy trình thiết kế và phát triển các chương trình dạy học” và “Chia sẻ về các phương thức phản hồi kết quả học tập của người học“. Những kinh nghiệm thực tiễn từ Trường Đại học Giáo dục đã mang lại nhiều bài học giá trị cho Học viện Phụ nữ Việt Nam.

   Sau phần trình bày tham luận, hội thảo đã diễn ra buổi tọa đàm sôi nổi, nơi các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phản hồi kết quả học tập cũng như cải tiến quy trình thiết kế và phát triển chương trình dạy học.

Một số phương thức phản hồi kết quả học tập tới người học được đề xuất như đa dạng hóa hình thức và kịp thời phản hồi; Nhiều ý kiến cho rằng phản hồi cần phải được thực hiện một cách kịp thời để sinh viên có thể điều chỉnh quá trình học tập một cách hiệu quả. Ngoài ra, phản hồi cần cụ thể và chi tiết, chỉ rõ những điểm mạnh và yếu của sinh viên, từ đó giúp họ có định hướng rõ ràng trong việc cải thiện; Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích phản hồi đa chiều, tạo điều kiện để sinh viên phản hồi ngược lại với giảng viên. Điều này không chỉ giúp giảng viên cải tiến phương pháp giảng dạy mà còn tạo môi trường học tập thân thiện, nơi sinh viên cảm thấy được lắng nghe và đóng góp vào quá trình giảng dạy.

Một số nội dung góp ý quy trình thiết kế và phát triển chương trình dạy học được các đại biểu đề xuất như: Cần tiếp tục tăng cường tính thực tiễn trong chương trình dạy học để chương trình dạy học phản ánh được các yêu cầu thực tế của thị trường lao động. Các đại biểu đề xuất rằng việc tăng cường hơn nữa mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài để đưa những yêu cầu nghề nghiệp cụ thể vào chương trình học là cần thiết. Điều này không chỉ giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho công việc sau khi ra trường mà còn tạo ra sự khác biệt và giá trị gia tăng cho chương trình đào tạo của Học viện; Cải tiến quy trình phát triển chương trình linh hoạt hơn, cho phép cập nhật và điều chỉnh nhanh chóng các nội dung giảng dạy theo sự thay đổi của môi trường kinh tế – xã hội. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả của chương trình một cách liên tục để đảm bảo chất lượng; Một nội dung đề xuất quan trọng nữa là, tập trung xây dựng năng lực cho đội ngũ giảng viên trong quá trình thiết kế và phát triển chương trình dạy học. Các đại biểu đề xuất tổ chức thêm các khóa đào tạo chuyên sâu về phương pháp giảng dạy, công nghệ giáo dục, và các kỹ năng mềm cần thiết, nhằm giúp giảng viên đáp ứng tốt hơn với yêu cầu ngày càng cao của hoạt động giảng dạy, nghiên cứu.

Hội thảo đã được tổ chức thành công và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm cải tiến phương thức phản hồi, bao gồm việc đa dạng hóa hình thức, đảm bảo tính kịp thời và cụ thể của phản hồi, cũng như khuyến khích sự tương tác đa chiều giữa giảng viên và sinh viên. Các giải pháp đưa ra tại hội thảo nhằm định hướng cải tiến quy trình thiết kế và phát triển chương trình dạy học sẽ là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng chương trình đào tạo của Học viện trong thời gian tới, đặc biệt là tăng cường tính thực tiễn và linh hoạt của chương trình hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong bối cảnh đổi mới, hội nhập toàn cầu.