Đối với ngành Luật, chương trình đào tạo được thiết kế chung đối với các học phần giáo dục đại cương và các học phần cơ sở ngành bắt buộc. Từ năm thứ 3, sinh viên lựa chọn 1 trong 3 chuyên ngành chuyên sâu: Pháp luật Hành chính – Hình sự; Pháp luật Kinh tế; Pháp luật Dân sự – Xã hội.
Ngành Luật hiện đang có hơn 800 sinh viên hệ đại học chính quy theo học ở 4 khóa. Ngoài giờ học trên lớp, sinh viên tham gia tích cực các hoạt động đoàn, hội, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dã ngoại, đào tạo kỹ năng mềm để vận dụng những kiến thức đã được học vào trau dồi, chia sẻ, rèn luyện các kỹ năng, kiến thức thông qua các mô hình hội thảo, hoạt động ngoại khóa hay mô hình Câu lạc bộ Nghề Luật.
Câu lạc bộ Nghề Luật – là sân chơi rộng mở cho sinh viên luật nhằm giúp các em học hỏi, trau dồi, chia sẻ, rèn luyện các kiến thức, kỹ năng giữa sinh viên với sinh viên; giữa sinh viên với giảng viên và các Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên hay các nhà tuyển dụng… để các em nắm chắc kiến thức, vững kỹ năng chuẩn bị cho hành trang vào đời. Hiện nay, Câu lạc bộ thu hút hơn 100 thành viên tham gia thường xuyên. Mặc dù mới được thành lập gần 1 năm nhưng Câu lạc bộ đã tổ chức vận hành 6 phiên tòa giả định cho sinh viên các khóa 3,4,5 với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các thầy cô giáo, các Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên… Gần đây nhất, Câu lạc bộ đã tổ chức thành công Cuộc thi hùng biện pháp luật với chủ đề: “An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”. Đây là cuộc thi hùng biện đầu tiên được tổ chức tại Học viện Phụ nữ Việt Nam với nhiều giải thưởng hấp dẫn, đầy kịch tính thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên các khóa trong trường. Thông qua hình thức vận hành các phiên tòa giả định cũng như qua cuộc thi, sinh viên được thực hành nghề nghiệp, vận dụng các kiến thức lý thuyết, kỹ năng mềm đã được học, nghiên cứu trên ghế nhà trường vào thực hành công việc như những chức danh nghề trên thực tế, ngoài ra sinh viên còn được học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng từ những chuyên gia và từ chính các bạn sinh viên.
Sinh viên ngành Luật hiện nay có thể đăng ký học thêm 1 ngành học khác nếu đạt đủ các điều kiện theo quy định để khi tốt nghiệp được nhận 2 bằng đại học.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy cho sinh viên ngành Luật là các Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, Thạc sĩ, các chuyên gia pháp luật giàu kinh nghiệm, có uy tín từ các cơ sở giáo dục như Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Tư pháp…và các cơ quan nhà nước.
Tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Học viện, sinh viên có thể đi làm ngay trong các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương như làm Thư ký Tòa tại các Toàn án Nhân dân các cấp; công chức tại các cơ quan nhà nước như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp… làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu…hoặc có thể tiếp tục học sau đại học để nhận học vị Thạc sĩ; Tiến sĩ; đào tạo các chức danh tư pháp để hành nghề luật trong các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.
Năm học 2019- 2020, ngành Luật của Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh 200 chỉ tiêu CỬ NHÂN LUẬT theo hình thức xét tuyển học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 các khối: A00, A01, C00, D01.
Thông tin chi tiết liên hệ: Học viện Phụ nữ Việt Nam, số 68 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội
Website: http://www.hvpnvn.edu.vn/; email: tuyensinh@vwa.edu.vn
SĐT văn phòng Khoa: 0243.775.9040