Chủ trì hội thảo là TS. Lương Văn Tuấn – Phó trưởng khoa Luật, Ông Nguyễn Đức Minh – Phó trưởng phòng 5 – Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo các đơn vị thuộc học viện và sinh viên khoa Luật Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Xu thế mở cửa hội nhập đã giúp nền kinh tế Việt Nam tồn tại và phát triển và mang đến nhiều loại hình kinh doanh mới trong đó có loại hình Kinh doanh tiếp thị mạng lưới hoặc Kinh doanh theo mạng hay Bán hàng đa cấp chính thống. Các tên gọi nói trên là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức marketing sản phẩm kinh doanh/bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty (hoặc qua một nhà phân phối duy nhất) mà không phải thông qua các đại lýhaycửa hàng bán lẻ. Hiện nay các công ty đa cấp có đa dạng về sản phẩm, thu hút đông đảo lực lượng tham gia nhiều thành phần, lứa tuổi trong đó có số lượng không nhỏ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên hoạt động kinh doanh này, từ một mô hình tiên tiến đã bị một số kẻ lợi dụng kẽ hở của luật pháp biến thành mô hình bán hàng đa cấp bất chính gây rối loạn trật tự an ninh, thiệt hại về tài sản của cá nhân và xã hội. Hội thảo đã mang lại cái nhìn toàn diện về loại hình kinh doanh đa cấp, đồng thời chỉ ra những góc khuất dễ bị lợi dụng để biến tướng hình thức kinh doanh này.

Các tham luận của hội thảo đã tập trung làm nổi bật các nội dung: Bàn luận về các quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh đa cấp, kinh doanh đa cấp bất chính;  Những vấn đề quán lý nhà nước về kinh doanh đa cấp; Con đường dẫn đến kinh doanh đa cấp; Thực trạng kinh doanh đa cấp hiện nay; Một số kinh nghiệm tránh sập bẫy kinh doanh đa cấp bất chính.

Các đại biểu và sinh viên tham dự hội thảo đã tham gia thảo luận, trao đổi khá sôi nổi về vấn đề kinh doanh đa cấp hiện nay nhằm tìm ra cách nhìn nhận thấu đáo, toàn diện, minh bạch về loại hình kinh doanh này và nói không với các loại hình kinh doanh đa cấp bị biến tướng.